OEE: Tổng Quan Về Hiệu Suất Thiết Bị Tổng Thể

Trong quá trình triển khai Bảo trì năng suất toàn diện (TPM), nhiều doanh nghiệp chú trọng đến việc đánh giá chỉ số Hiệu suất thiết bị tổng thể (OEE). Dựa trên OEE, doanh nghiệp có thể xác định các vấn đề trong sử dụng và bảo trì tài sản. Từ đó, triển khai thực hiện các chiến lược cải tiến phù hợp.

Về phía công ty sản xuất, OEE đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất sản xuất. Không chỉ những cải tiến quy mô lớn mà cả những cải tiến nhỏ vẫn góp phần thúc đẩy đáng kể lợi nhuận của một doanh nghiệp. Có thể nói mục tiêu của OEE và việc xác định OEE là giúp doanh nghiệp cải tiến liên tục.

Overall Equipment Effectiveness

Ý chính

    1. Hiệu suất thiết bị tổng thể là gì?
    2. Cách đo lường hiệu suất thiết bị tổng thể.
    3. Sáu tổn thất lớn trong hiệu suất thiết bị tổng thể.

OEE – Hiệu suất thiết bị tổng thể là gì?

OEE (Overall Equipment Effectiveness) – Hiệu suất thiết bị tổng thể, là thước đo hiệu suất và năng suất của các hoạt động sản xuất. Nói cách khác, chỉ số OEE xác định tỉ lệ phần trăm thời gian sản xuất thực sự hiệu quả.

OEE giúp doanh nghiệp xác định các vấn đề trong vận hành và bảo trì tài sản. Đồng thời, theo dõi tiến trình khắc phục các vấn đề này. Đo lường OEE giúp doanh nghiệp hiểu sâu hơn về cách cải thiện hệ thống quy trình sản xuất. Do đó, OEE là thước đo tốt nhất để xác định tổn thất và đo lường tiến độ. Đồng thời, nâng cao năng suất sản xuất của máy móc, thiết bị.

Cách đo lường Hiệu suất thiết bị tổng thể (OEE)

OEE là sự kết hợp của ba yếu tố: Tính khả dụng, Hiệu suất và Chất lượng. Qua đó, thể hiện mức độ hiệu quả của một thiết bị trong quá trình sản xuất.

Tính khả dụng

Là lượng thời gian mà thiết bị cần để thực hiện chức năng. Bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất theo kế hoạch trong một khoảng thời gian đáng kể. Có thể kể đến như thời gian máy dừng chạy ngoài kế hoạch và theo kế hoạch.

Hiệu suất

Là lượng thời gian cần để hoàn thành một quy trình so với thời gian chu kỳ lý tưởng. Bao gồm các yếu tố khiến thiết bị sản xuất hoạt động ở tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa.

Chất lượng

Là đại lượng đề cập đến lượng sản phẩm đạt chất lượng so với lượng sản phẩm sản xuất ra. Đồng thời, cung cấp thông tin chi tiết về thời gian hao hụt do sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hoặc cần được làm lại.

Điểm chuẩn OEE: Mức độ đánh giá OEE là gì?

Một chỉ số OEE hoàn hảo khi đạt được 100%. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đạt được con số này. Tùy vào từng mức độ dựa theo phần trăm, chúng ta có những đánh giá như sau:

  • 100%: Hiệu suất sản xuất hoàn hảo, không có thời gian chết, vận hành trơn tru, sản phẩm chất lượng.
  • 85%: So với mức 100% khó đạt được, các doanh nghiệp vẫn cố gắng đạt được mức độ này.
  • 60%: Khi chỉ đạt ở mức này, doanh nghiệp cần cải thiện một số điểm để đạt hiệu suất tốt hơn.
  • 40%: Đây là mức cảnh báo để doanh nghiệp kịp thời theo dõi và cải tiến nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.

Khái niệm OEE được áp dụng dưới hình thức: thước đo điểm chuẩn và thước đo điểm cơ sở

  • Khi là điểm chuẩn, chỉ số OEE so sánh hiệu quả của một thiết bị sản xuất với những tiêu chuẩn công nghiệp. Đồng thời, so sánh hiệu quả giữa các ca làm việc khác nhau trên cùng một thiết bị.
  • Khi là điểm cơ sở, OEE là thông số theo dõi hiệu xuất sử dụng theo thời gian của một thiết bị sản xuất, không tính đến thời gian lãng phí.

Lợi ích của việc sử dụng OEE

Khi nói đến hiệu quả và năng suất, giải pháp OEE giúp doanh nghiệp tối đa hóa việc sử dụng tài sản. Bằng cách tối ưu hóa OEE, doanh nghiệp có thể chủ động tiếp cận các quy trình hoạt động. Qua đó, giảm chi phí, cải thiện chất lượng và tăng hiệu quả quá trình vận hành máy sản xuất.

Overall Equipment Effectiveness (OEE)

Giám sát quá trình máy vận hành tốt hơn. Qua đó, hiểu rõ vấn đề thực sự tồn tại ở đâu và có kế hoạch giải quyết phù hợp.

Tăng hiệu quả hoạt động của thiết bị. Đảm bảo các bộ phận máy được bảo trì đúng hạn, giảm thời gian ngừng hoạt động.

Giảm chi phí bảo trì và sửa chữa máy móc. Điều này được thực hiện bằng cách đưa ra các kế hoạch và quá trình vận hành máy phù hợp.

Mang lại lợi tức đầu tư đáng kể. Việc giảm lãng phí hay thất thoát trong sản xuất thiết bị sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện lợi nhuận về lâu dài.

6 tổn thất lớn trong OEE

Cùng với sự pháp triển của chương trình TPM – Bảo trì năng suất toàn diện, khái niệm “6 tổn thất lớn” được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giảm hiệu quả hoạt động thiết bị trong doanh nghiệp.

Do đó, thực hiện các chương trình liên quan đến chỉ số OEE là nhằm loại bỏ và giảm thiểu 6 loại tổn thất này.

Ngừng máy không kế hoạch: thời gian thiết bị được lên kế hoạch sản xuất nhưng không hoạt động do tai nạn hoặc hỏng hóc.

Ngừng máy theo kế hoạch: thời gian khi thiết bị được thiết lập và điều chỉnh để sản xuất theo kế hoạch đã định.

Tạm ngừng khi vận hành: do gián đoạn nhỏ như hỏng máy (1-2 phút hoặc dưới 5 phút) trong quá trình sản xuất.

Thời gian chu kỳ chậm: khi thiết bị được vận hành ở tốc độ thấp hơn tốc độ tiêu chuẩn.

Khiếm khuyết khởi động: các sản phẩm bị lỗi được sản xuất do quá trình khởi động máy không đúng.

Khiếm khuyết sản xuất: các sản phẩm bị lỗi được sản xuất trong quá trình máy vận hành ổn định.

Phương pháp cải thiện năng suất và chỉ số OEE

OEE là một trong những tiêu chuẩn và cơ sở chính để đo lường hiệu quả và năng suất. Chương trình OEE giúp các doanh nghiệp sản xuất đạt được mục tiêu chất lượng sản phẩm của họ. Chính vì vậy, điều cần thiết là phải theo dõi và cải thiện chỉ số OEE. Từ đó giúp đạt hiệu quả hơn nữa về mặt thời gian cũng như tiết kiệm chi phí.

  • Cải tiến hệ thống máy móc để có kế hoạch bảo dưỡng và đảm bảo vận hành hiệu quả.
  • Tự động hoá thu thập dữ liệu và báo cáo tình trạng thiết bị để theo dõi và cải thiện chỉ số OEE.
  • Ghi lại tất cả thời gian ngừng máy để tìm giải pháp tốt hơn dựa trên phân loại nguyên nhân.
  • Đánh giá và phân tích 6 tổn thất chính để lập kế hoạch bảo trì. Tiến hành nâng cấp máy móc hoặc quy trình vận hành.

Hiệu suất thiết bị tổng thể OEE là tiêu chuẩn chính để đo lường hiệu quả và năng suất. Chỉ số này giúp ngành sản xuất đạt được các mục tiêu về sản lượng và chất lượng sản phẩm. Với thước đo OEE, doanh nghiệp sản xuất có thể xác định hiệu quả sử dụng và bảo trì tài sản hiện tại. Đồng thời xác định những hạn chế hiện tại để đưa ra chiến lược cải tiến bảo trì phù hợp.

Ngoài ra, OEE còn là cơ sở quan trọng để triển khai TPM cũng như ứng dụng CMMS (Hệ thống quản lý bảo trì thiết bị). Dựa trên các chương trình này, doanh nghiệp có thêm cơ hội tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

You May Also Like